(ĐSPL) – Chỉ một câu nói, bà Kháng đã ở vậy để chờ người yêu hơn chục năm trời, vượt qua đau khổ chờ ngày chiến thắng ông trở về…
“Khi nào đất nước hòa bình anh về”
Mỗi khi nhắc lại câu chuyện tình yêu của vợ chồng ông Lê Văn Chọn và bà Trần Thị Kháng (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đều khiến mọi người làng trên xóm dưới trầm trồ, ngưỡng mộ.
Đó là câu chuyện những năm 60 của thế kỷ 20, khi đất nước còn bị chia cắt hai miền Nam Bắc.
Như bao nhiêu gia đình khác, đàn ông trong họ hàng nhà bà Kháng đều theo kháng chiến còn phụ nữ thì ở nhà.
Nhưng lòng yêu nước ngấm vào tim, bà không chịu ở nhà mà qua ở với bà cô để học nghề may, lén đem đồ ăn, quần áo tự may cho bộ đội trong chiến khu. Cũng chính điều đó đã viết lên câu chuyện tình yêu 11 năm của bà.
Hai vợ chồng ông bà sống rất hạnh phúc. |
Đã đến tuổi cập kê nhưng bà Kháng lại chẳng để ý đến ai, vậy mà trong một lần lén đi gặp bộ đội, bà Kháng gặp ông Chọn. Lúc đó, ông Chọn chỉ nhìn bà rồi nháy mắt một cái, thế là phải lòng nhau.
Ông Chọn bảo, vì ông cũng thường xuyên theo bà cô ra chợ bán hàng và giúp bà con trong ấp sửa nhà nên cũng có biết bà Kháng. Nhưng bà Kháng lúc đó đẹp người, lại tháo vát nên được nhiều người theo đuổi, ông có thích cũng chỉ dám đứng ngắm nhìn chứ không dám làm quen.
Tình yêu chưa kịp thổ lộ, ông Chọn nhận lệnh lên đường vào chiến trường miền Đông chiến đấu. Lệnh quân gấp gáp, không có thời gian tiễn đưa mà phải di chuyển bí mật. Không gặp được bà Kháng trước khi lên đường, ông Chọn chỉ dám nhờ bà cô của mình truyền lại giúp lời hứa cho bà Kháng: “Khi nào đất nước hòa bình anh về”.
…Và tình yêu 11 năm chờ đợi
Càng ngày chiến tranh càng đi vào giai đoạn ác liệt, ông Chọn đi kháng chiến đã được 3 năm cũng là lúc bà Kháng bước vào tuổi đôi mươi, cái tuổi mà các cô gái ở quê bà đã đi lấy chồng hết nhưng bà vẫn ngày ngày ngóng tin ông từ chiến trường.
Trận chiến Tết Mậu Thân 1968, quân ta đánh thắng nhưng chịu khá nhiều thương vong, bà Kháng lại nghe tin ông Chọn đã hi sinh ngoài mặt trận. Từ lúc đó, mặt bà lúc nào cũng buồn rười rượi, tuổi thanh xuân phới phới có bao chàng trai tới hỏi cưới bà cũng chỉ lẳng lặng lắc đầu.
Nhưng rồi qua những lần đem lương thực cho bộ đội, bà Kháng nghe ngóng được ít thông tin ông Chọn vẫn còn sống, bà mừng quá.
Bức vẽ thay cho hình cưới của hai ông bà. |
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, các anh chị em trong gia đình cũng đã yên bề gia thất, duy chỉ còn mình bà ở vậy ngóng tin ông Chọn.
Đất nước được giải phóng, bà vui của niềm vui tự do, nhưng trong sâu thẳm trái tim người phụ nữ đơn độc này vẫn mang một nỗi buồn thì không thấy bóng dáng ông Chọn.
Rồi ông trời không phụ lòng bà, ông Chọn lành lặn trở về với chiếc ba lô và áo lính sờn vai.
Ngày trở về, ông Chọn đưa mắt nhìn về phía bên kia kênh, nghĩ thầm: Chắc người ta đã lấy chồng. Nhưng ông không ngờ người con gái ấy vẫn ở vậy một lòng chờ ông về. Biết tin mừng đó, ông nhờ người thân sang hỏi cưới bà Kháng.
Đến bây giờ, khi hồi tưởng lại quá khứ, bà Kháng vẫn cười hạnh phúc: “Ngày đó, tôi mừng lắm nhưng cũng chỉ biết hỏi câu lãng xẹt mà ai cũng phì cười, “thấy người ta bảo tưởng anh chết rồi mà anh vẫn còn sống thiệt hả?”.
Sau đám cưới, hai vợ chồng ông bà Kháng ra ở riêng, chẳng có vốn liếng gì trong tay nhưng ông bà vẫn cố gắng lao động. Cho đến giờ, bốn người con 2 trai, 2 gái của ông bà đều đã sinh cho ông bà cháu nội cháu ngoại đề huề.
Câu chuyện tình chân thành, giản dị đáng trân trọng thời chiến của ông bà được nhiều người ấp Nhì biết đến và đem ra vẫn kể đi kể lại cho thế hệ sau học tập, noi theo.
PHẠM VÂN