+Aa-
    Zalo

    1001 lý do học sinh kết thúc cuộc đời bằng lá ngón và những hệ lụy đau lòng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều năm nay, tuổi các nạn nhân sử dụng lá ngón để tự tử ngày càng trẻ, thậm chí có cả học sinh THCS, THPT.

    Nhiều năm nay, tuổi các nạn nhân sử dụng lá ngón để tự tử ngày càng trẻ, thậm chí có cả học sinh THCS, THPT. Mới đây, một nữ sinh lớp 7 trên địa bàn tỉnh Nghệ An vừa ăn lá ngón tự tử. Mặc dù nạn nhân được đưa đi cấp cứu, nhưng không qua khỏi.

    Chỉ trong vài giờ ăn lá ngón, nạn nhân sẽ tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách. Ảnh minh họa

    Nữ sinh tự tử do... không được mua xe máy

    Sáng 31/3, ông Moong Văn Chăn - Chủ tịch UBND xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An xác nhận, trên địa bàn xã này lại có thêm 1 vụ ăn lá ngón tự tử. Điều đáng nói, nạn nhân hiện là nữ sinh lớp 7, trường THCS bán trú Huồi Tụ (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn).

    Bản Xà Lồng là một trong những bản xa xôi nhất của xã Bảo Nam, với dân số chủ yếu là người Khơ mú. Bản này cách trung tâm xã Bảo Nam khoảng 20km, cách trường THCS bán trú Huồi Tụ chừng 5km. “Gần đây, cháu này bỏ học và đòi bố phải mua xe máy mới chịu đi học tiếp. Do còn quá nhỏ nên người bố không đồng ý, vì thế cháu quyết định ăn lá ngón tự tử. Dù được đưa vào trạm y tế cứu chữa nhưng không qua khỏi”, ông Chăn nói.

    Điều đáng nói, trong vòng 2 tháng qua, bản này đã có đến 3 người tử vong do tự tử bằng lá ngón. Tất cả các nạn nhân đều là học sinh lớp 7. Ngoài trường hợp mới nhất học ở trường THCS bán trú Huồi Tụ thì 2 trường hợp trước đó theo học tại trường THCS dân tộc bán trú Bảo Nam.

    Trao đổi về vụ việc, thầy Nguyễn Tân Phương - Hiệu trưởng trường THCS bán trú Bảo Nam cho biết, trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, một nữ sinh lớp 7 của trường chỉ vì yêu đương nhưng bị gia đình ngăn cản nên quyết định ăn lá ngón quyên sinh. Ngoài ra, 1 nam sinh lớp 7 nghỉ Tết xong không chịu đến trường, nhà trường và gia đình đã phải vận động rất nhiều em mới chịu đi học tiếp. Tuy nhiên, trên đường đến trường, em này quyết định hái nắm lá ngón bên đường để tự tử....

    “Những lý do tự tử của các em rất đơn giản, chủ yếu là giận hờn hoặc mâu thuẫn với người yêu, bố mẹ. Có thể chỉ vì một trận cãi vã mà có em cũng chạy ra hái lá ngón tự tử. Nhà trường đã tuyên truyền rất nhiều trong cả các buổi học và ngoại khóa nhưng vẫn chưa thể thay đổi tư duy của các em”, thầy Phương nói.

    Mâu thuẫn, bế tắc là tìm đến lá ngón

    Theo Chủ tịch UBND xã Bảo Nam, chỉ trong năm 2020, toàn xã đã có 12 người ăn lá ngón tự tử. Con số này tiếp tục đánh lên hồi chuông báo động về tình trạng tự tử bằng lá ngón, để lại những hệ lụi, những nỗi đau đầu dẳng, kéo dài.

    Ông Moong Văn Chăn cho hay: “Nguyên nhân của việc người dân sử dụng lá ngón tự tử chủ yếu là do những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình. Thế nhưng họ không tìm các biện pháp để giải quyết mà lại thường tìm đến lá ngón để tự tử. Ý thức này truyền qua nhiều thế hệ và ăn sâu vào suy nghĩ của cả trẻ em. Cũng vì vậy nên không ít học sinh cũng làm điều tương tự khi mâu thuẫn, bế tắc”.

    Đảng ủy, chính quyền cũng như các ban ngành đoàn thể trong xã đã đến tận các bản để tuyên truyền cho bà con hiểu được tác hại của cây lá ngón. Thậm chí, chính quyền đã ra quân đồng loạt xóa nhỏ, phát dọn cây lá ngón với quy mô lớn. Thế nhưng năm nào cũng có sự việc đau lòng về loài cây này.

    “Mặc dù chính quyền các cấp đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, lực lượng công an, dân quân, tăng cường chặt và nhổ bỏ cây lá ngón tại các khu vực gần khu dân cư. Tuy nhiên, cây lá ngón mọc rất nhiều trong tự nhiên, một khi người tự tử đã biết cây lá ngón thì rất khó ngăn cản”, Chủ tịch xã cho hay.

    Theo báo cáo của trạm y tế xã, năm 2019 có 25 trường hợp tự tử bằng lá ngón và 5 người tử vong; năm 2020 là 12 ca và tử vong là 4. Điều đáng nói, cây lá ngón trên địa bàn huyện Kỳ Sơn mọc nhiều ở các xã như Huồi Tụ, Mường Lống, Na Loi, Đoọc Mạy, Kèng Đu, Nậm Cắn, Tây Sơn, Nậm Càn, Na Ngoi, Bảo Nam và Bảo Thắng.

    Ông Lương Văn Sơn - Phó Giám đốc trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết, cây lá ngón có tên khoa học là Gelsemium ele- gans, ngoài ra còn có những tên gọi khác là đoạn trường thảo, tức là đứt từng đoạn ruột.

    “Về mặt y học, lá ngón là loại cây có độc tính rất mạnh. Nếu ăn phải chỉ trong vài giờ chất độc có thể gây suy hô hấp, tụt huyết áp dẫn đến ngưng tim, tăng phản xạ cơ xương, co giật và chắc chắn sẽ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, đúng cách cho nạn nhân”, ông Sơn nói.

    Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các trường học thường xuyên tuyên truyền, vận động học sinh không ăn lá ngón. Tuy nhiên phần vì nhận thức, phần vì thiếu quan tâm của gia đình nên vẫn còn nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Phần lớn các em đều còn ít tuổi và đang còn cả tương lai phía trước...”.

    Nguyễn Ngọc Anh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 3(55)

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/1001-ly-do-hoc-sinh-ket-thuc-cuoc-doi-bang-la-ngon-va-nhung-he-luy-dau-long-a362071.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan