+Aa-
    Zalo

    10 sự kiện nổi bật của ngành Hải quan Việt Nam 2020

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vượt qua một năm đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngành Hải quan đã hoàn thành toàn diện các mặt công tác, cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh, khơi thông dòng chảy...

    Vượt qua một năm đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngành Hải quan đã hoàn thành toàn diện các mặt công tác, cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh, khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu hàng hóa và nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra,…góp phần vào thành công chung trong tăng trưởng kinh tế đất nước.

    10 sự kiện nổi bật của ngành Hải quan trong năm 2020 gồm những điểm nhấn ấn tượng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; thu ngân sách; chính thức vận hành Hệ thống một cửa quốc gia...

    Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan lần thứ XI thành công tốt đẹp. Ảnh: Tuấn Dũng

    1. Tăng cường triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát hải quan nhằm quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt, tổ chức triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn liên quan đến vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới

    Với quyết tâm "tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

    Trong 11 tháng đầu năm 2020, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.100 vụ vi phạm pháp luật Hải quan với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.231 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 37 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 130 vụ, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 463 tỷ 191 triệu đồng.

    2. Nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu thu NSNN đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong bối cảnh dịch Covid-19

    Năm 2020, TCHQ được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu là 338.000 tỷ đồng. Với sự nỗ lực của toàn Ngành, dự kiến đến hết ngày 31/12/2020, số thu NSNN đạt khoảng 315.000 tỷ đồng, bằng 93,2% dự toán (338.000 tỷ đồng), đạt 105% số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 khóa XIV (300.000 tỷ đồng).

    3. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan TCHQ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025

    Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan TCHQ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức tại trụ sở cơ quan TCHQ trong 2 ngày 15-16/7/2020.

    Đại hội đã ra Nghị quyết quyết nghị phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho nhiệm kỳ 2020-2025, với phương châm “Đoàn kết - Đổi mới - Kỷ cương - Đột phá - Sáng tạo”. Tập trung sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, năng động, sáng tạo, tinh thần thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ cơ quan TCHQ, góp phần vào thành tích chung của ngành Tài chính và công cuộc đổi mới đất nước.

    4. Tổ chức thành công Hội nghị đại biểu điển hình tiên tiến ngành Hải quan lần thứ VI nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Ngành (10/9/1945 – 10/9/2020)

    Ngày 20/8/2020, TCHQ đã long trọng tổ chức Hội nghị Đại biểu điển hình tiên tiến TCHQ lần thứ VI bằng hình thức trực tuyến.

    Từ tháng 7/2015 - 6/2020, ngành Hải quan đã có 28 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 1 tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 tập thể được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, 7 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 29 tập thể và 44 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 16 tập thể và 70 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giấy khen của Tổng cục trưởng TCHQ.

    Đặc biệt, tại Hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trao tặng, gắn Huân chương Lao động hạng Nhất cho TCHQ và đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 tập thể thuộc TCHQ.

    5. Chính thức vận hành Hệ thống một cửa quốc gia và quản lý giám sát Hải quan tự động tại Sân bay Nội Bài

    Ngày 28/9/2020, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định chính thức triển khai Hệ thống một cửa quốc gia đối với tàu bay nhập cảnh và Hệ thống quản lý giám sát tự động hàng hóa nhập khẩu đường hàng không tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.

    Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý, giám sát tự động được triển khai đồng bộ, giúp cơ quan quản lý nhà nước nâng cao năng lực cán bộ công chức, từng bước thực hiện chuyển đổi số, góp phần triển khai Chính phủ số tại Việt Nam.

    6. TCHQ triển khai mở rộng chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ… để phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

    Trong xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với các nước trên thế giới. Lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, thời gian qua đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu. Để giải quyết vấn đề cấp bách, có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam, có thể gây hậu quả xấu đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, thương hiệu hàng Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, TCHQ được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ là đơn vị tiên phong triển khai chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ.

    7. TCHQ dẫn đầu xếp hạng Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính khối Tổng cục và tương đương trực thuộc Bộ Tài chính

    Ngày 10/9/2020, Bộ Tài chính có Quyết định số 1302/QĐ-BTC công bố Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Theo đó, TCHQ xếp hạng 1/5 về Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính trong khối Tổng cục và đơn vị tương đương thuộc Bộ Tài chính gồm các đơn vị: TCHQ, Tổng cục Thuế, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước. Đây là năm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2017, TCHQ dẫn đầu Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính. Cụ thể, năm nay TCHQ đạt 97/100 điểm, cao hơn năm trước 0,5 điểm.

    8. Ngành Hải quan góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch Covid-19

    Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, ngành Hải quan đã bám sát tình hình của dịch bệnh, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính để kịp thời triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, biện pháp nhằm góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo an toàn cho cán bộ trong toàn ngành nhưng vẫn đảm bảo chống buôn lậu và gian lận thương mại, hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ được giao.

    9. Phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan

    Hiệp định đã được ký kết vào tháng 12/2019 và được Chính phủ phê duyệt, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2020.

    Nhằm đảm bảo việc triển khai Hiệp định khẩn trương, hiệu quả với sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành có liên quan cũng như đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, TCHQ đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định này và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    Năm 2020 là năm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Trong bối cảnh quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ đang được hai bên hết sức coi trọng, Hiệp định này góp phần mở rộng các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, hình thành những cơ chế hợp tác thực chất, dài hạn, theo chiều sâu trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, hướng tới việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới.  

    10. Xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)


    Hiệp định EVFTA là Hiệp định được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. 

    Với việc Hiệp định chính thức có hiệu lực, Kế hoạch thực hiện Hiệp định của TCHQ đã được xây dựng và hoàn thiện trên cở sở rà soát các cam kết về hải quan và có liên quan đến trách nhiệm thực thi của TCHQ trong toàn bộ Hiệp định EVFTA từ đó phân công trách nhiệm chủ trì và phối hợp tổ chức thực hiện từng cam kết cho các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ và quy chế làm việc của TCHQ.

    Thanh Tâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/10-su-kien-noi-bat-cua-nganh-hai-quan-viet-nam-2020-a350544.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan