(ĐSPL) - Phát biểu cuối cùng trong buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tiến sỹ trẻ Nguyễn Bá Hải đã làm cả hội trường “nóng” lên.
Nghe anh nói về chiếc kính có tên “mắt thần” dành cho người khiếm thị, Thủ tướng đã ngắt lời và muốn biết rõ hơn về loại sản phẩm này. Khi biết đây là chiếc kính thông minh có thể giúp người mù dễ dàng hòa nhập cuộc sống, chàng tiến sỹ trẻ còn khẳng định sẵn sàng dành tặng sản phẩm này cho xã hội, ngay tại diễn đàn, Thủ tướng đã đồng ý giao cho bộ KH&CN cùng Tư Đoàn phối hợp xem xét, cũng như “đặt hàng” dự án “mắt thần” để tặng cho người mù.
"Thất bại là mẹ thành công"
Người mà PV báo ĐS&PL nhắc đến chính là tiến sỹ trẻ Nguyễn Bá Hải (SN 1984 tại Đông Sơn, Thanh Hóa), hiện là giảng viên trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu trọng điểm Robot sinh học (Biorobotics Lab) và Giám đốc trung tâm Dạy học số của trường.
Nhận được tin vui với công trình “mắt thần” của anh, tôi vội bốc máy điện thoại chúc mừng. Từ đầu dây bên kia, tiến sỹ Hải không giấu được xúc động khi nhắc đến dự án "mắt thần" của mình. Anh bảo, trải qua 4 năm với 9 lần cải tiến, mồ hôi và nước mắt cũng đã rơi suốt chặng đường đó, anh đã làm theo tiếng gọi của trái tim, thực hiện mơ ước từ ngày còn thơ bé.
Trong dòng chảy ký ức của mình, tiến sỹ Hải kể, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ngay từ nhỏ, đã thích thú với những chiếc ô tô. Anh luôn ý thức phải sống tự lập, cố gắng vượt qua mọi chướng ngại vật của cuộc đời mà bước tiếp.
Tiến sỹ Hải hạnh phúc khi thấy người khiếm thị được hỗ trợ. |
Chính vì thế, khi học xong cấp ba, anh quyết định thi vào trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, ngành cơ khí động lực để cháy với ngọn lửa đam mê. Trời không phụ lòng người, chàng sinh viên chịu khó, ham học hỏi đã tốt nghiệp thủ khoa ngành cơ khí động lực và nhận luôn học bổng toàn phần học ngành Robot sinh học của chính phủ Hàn Quốc.
Sau khi tốt nghiệp, bỏ qua lời mời gọi với mức lương khá hấp dẫn, chàng tiến sỹ quyết định trở về phục vụ quê hương, thực hiện những ước mơ còn dang dở.
Anh Hải cho biết: "Những năm sinh viên, tôi cũng tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện của trường, giúp đỡ những người khiếm thị. Khi ấy, chúng tôi có một dự án làm băng nói cho người khiếm thị.
Nhưng khi nhận được học bổng, tôi đã bỏ dở dự án và thấy mình như "mắc nợ" những người khiếm thị. Đến năm 2010, sau khi từ Hàn Quốc trở về, tình cờ đi ngang qua trụ sở hội người mù Thủ Đức, thấy họ đang phải lần mò từng thứ một, gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Chợt thấy, mình đang hạnh phúc hơn họ, có thể nhìn thấy thế giới đầy màu sắc. Từ những suy nghĩ đó, tôi quyết định phải làm ra một thiết bị để giúp người khiếm thị tránh được những chướng ngại vật".
Tâm sự với PV báo ĐS&PL, anh muốn những đứa trẻ khiếm thị ngay từ nhỏ có thể tự mình đi lại sinh hoạt được. Giọng vị tiến sỹ trẻ chùng xuống: "Những đứa trẻ đó không có tội, chúng sinh ra đã phải chịu những thiệt thòi rồi.
Khi thực hiện dự án kính "mắt thần", tôi chưa có con, nhưng tôi cứ nghĩ, nếu sau này con mình không thể nhìn thấy ánh sáng thì sao và một ngày nào đó lỡ tôi bị mù. Ai sẽ dẫn đường cho tôi? Chắc chắn cuộc sống lúc ấy sẽ vô cùng khó khăn, vất vả. Người mù họ cũng có ước mơ, khát vọng của riêng mình. Những điều đó đã thôi thúc tôi sáng tạo ra chiếc kính này".
Nói là làm, ngoài những giờ dạy trên lớp, anh cùng nhóm của mình thức trắng đêm, nghiên cứu, mày mò ra công thức sáng chế "mắt thần". Anh bảo: "Muốn biết những người khiếm thị họ muốn gì, đôi khi chúng tôi phải nhắm mắt lại, tưởng tượng ra mình cũng đang bị mù, mình cần những gì ở chiếc kính này. Mọi thứ không hề đơn giản như suy nghĩ, ban đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí hạn hẹp, nhưng cứ nghĩ đến người mù đang rất cần, chúng tôi lại cố gắng.
Năm 2012, kính "mắt thần" phiên bản 1 đã hoàn thành. Vừa vui mừng nhưng lại lo lắng, hồi hộp vì sợ sẽ thất bại. Nhiều người còn e ngại và cho rằng chúng tôi đang phí thời gian, dự án sẽ không đi được đến đâu. Nghe vậy cũng buồn, nhưng động lực tiếp tục cải tiến sản phẩm vì người mù vẫn thôi thúc chúng tôi bước tiếp".
Hơn tất cả chính là tấm lòng
Hơn 4 năm và 9 lần cải tiến, chàng tiến sỹ trẻ đã thành công. Anh vui mừng không phải thành tích mình đã làm được, mà hơn hết là tạo ra được ánh sáng, niềm tin cho người khiếm thị. Tiến sỹ Hải kể rằng, khi nhìn thấy những người khiếm thị đeo "mắt thần" lên, nụ cười hạnh phúc lúc họ cảm nhận được ánh sáng đã gieo thêm vào lòng anh những hy vọng.
Nhưng chi phí để sản xuất kính "mắt thần" rất cao, không chỉ vậy nó còn rất nặng nề. Trong lúc khó khăn, anh Hải nhận được sự giúp đỡ của những mạnh thường quân. Họ đã chung tay cùng anh cho ra đời "mắt thần 2" gọn nhẹ, tiện ích, giúp người mù có thể di chuyển, nhận biết được chướng ngại vật trước mắt...
Người sáng tạo kính thông minh "mắt thần". |
Anh cười hạnh phúc khi nhớ lại một người ca sỹ bị mù hai mắt đang thả hồn mình vào bài hát "Ru nửa vầng trăng" và được các bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội. Anh rất muốn tìm và gặp chàng ca sỹ đó để tặng cho anh ta chiếc "mắt thần" để thuận tiện hơn khi đi kiếm sống.
Anh đã lên mạng, chia sẻ rất nhiều về clip đó và thật may mắn, chỉ vài ngày sau, anh đã liên hệ được. Thấy nụ cười hạnh phúc của chàng ca sỹ khi được nhận món quà từ mình, lòng anh tràn ngập ấm áp.
Chia sẻ với chúng tôi về 10 phút thuyết trình trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quá trình nghiên cứu và kết quả "mắt thần" của mình, tiến sỹ Hải kể, "kính mắt thần” không chỉ là kết quả mà còn là sự mong đợi của những người khiếm thị.
Chính vì thế, không cho phép chúng tôi thất bại. "Thuyết phục được Thủ tướng cũng đồng nghĩa với việc, rất nhiều người mù có thêm cơ hội được cảm nhận ánh sáng. 10 phút thuyết trình, tôi đã nói bằng cả trái tim của mình. Tôi cũng không thể ngờ rằng, Thủ tướng đã đồng ý với dự án và hỗ trợ toàn bộ kinh phí để sản xuất "mắt thần" cho hơn 300 nghìn người mù ở nước ta. Không chỉ có vậy, khi nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ, những nhà khoa học trẻ như tôi đều hiểu rằng, ước mơ của mình có thể bay cao, bay xa hơn nữa”, tiến sỹ Hải tự tin nói
Sau khi nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ, anh Hải cho biết, trong thời gian tới sẽ cho ra đời "mắt thần 3". Đây cũng là phiên bản có tính năng nhỏ gọn hơn, không còn dây kết nối lằng nhằng khiến người khiếm thị thấy bất tiện nữa. Anh cũng bật mí: “Mình đang cùng hội người mù Việt Nam rà soát những đối tượng thật sự để trao tặng kính "mắt thần". Phải là những người mù thực sự, họ có nhu cầu đi lại, muốn được làm việc như làm tăm tre, bán vé số, đi học... và cuối cùng là những người thực sự khó khăn, không có khả năng để tự mình trang bị”.
Xin được kết thúc bài viết này bằng cảm nhận của tiến sỹ Hải, dù bất kỳ là ai cũng phải vượt lên, họ bị khiếm thị không có nghĩa họ đã mất đi tất cả, hãy sống và cống hiến khi còn có thể. Vì thế, khi nhìn thấy những người khuyết tật cũng có khao khát, mong muốn có thể tự lo cho bản thân bằng chính sức lao động của mình, anh Hải muốn dành tặng "mắt thần" cho những người như thế để họ có cuộc sống dễ dàng hơn.
"Mắt thần" đem ánh sáng cho người khiếm thị
Kính thông minh "mắt thần" là sản phẩm đoạt giải Nhân văn trong cuộc thi Tech Show Robocon 2012, giải Nhất tuần Nhà sáng chế Việt Nam 2013. Đây là một loại kính điện tử nhỏ gọn, trong một khoảng cách nhất định được lập trình sẵn, kính sẽ nhận diện các vật cản trái phải, trên dưới, đứng yên hay di động; sau đó, thiết bị sẽ báo rung cho người sử dụng biết để chọn hướng đi an toàn, hỗ trợ người dùng dễ dàng hơn trong hòa nhập cuộc sống.
Mai Hằng
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]GPzRX93MdZ[/mecloud]