+Aa-
    Zalo

    10 loài hoa ở Việt Nam đẹp hút hồn nhưng chỉ lại mang "hơi thở của tử thần"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù khoác lên mình những màu sắc rực rỡ, đẹp mê ly, nhưng nhiều loài hoa lại chứa những chất kịch độc có thể gây chết người.

    Dù khoác lên mình những màu sắc rực rỡ, đẹp mê ly, nhưng nhiều loài hoa lại chứa những chất kịch độc có thể gây chết người.

    1. Cây phụ tử

    Tuy mang vẻ đẹp hút hồn nhưng chớ dại mà động vào cây phụ tử, bởi toàn bộ loài cây này đều chứa aconitine - một chất độc cực mạnh gây nguy hiểm khi ăn phải hoặc đơn giản chỉ là chạm vào.

    Loài cây này độc đến nỗi thời xưa, người ta chế thành thuốc độc tẩm vào mũi tên để đi săn chó sói. Vì thế, nó còn có tên gọi khác là "bả diệt sói".

    Các triệu chứng khi ăn trúng hoa hoặc bộ phận nào của cây phụ tử là nôn mửa, tiêu chảy, tê cứng người, tim đập nhanh, sau đó ngừng đập và tử vong. Chỉ cần một vài gram của củ hay rễ cây phụ tử cũng đủ để giết chết một người trưởng thành.

    2. Cà độc dược cảnh

    Cây này còn có tên gọi khác là hoa loa kèn, có nguồn gốc từ Mexico và Peru. Hoa của cây cà độc dược cảnh thường có màu trắng, vàng hoặc tím. Theo "Từ điển cây thuốc Việt Nam" của giáo sư Võ Văn Chi, đây là cây nhỏ khỏe, cành lá thường thòng xuống. Đặc biệt được trồng nhiều ở Việt Nam đề làm cảnh.

    Tuy nhiên, hoa của cà độc dược cảnh chứa chất kịch độc khiến nạn nhân khi hít phải sẽ rơi vào trạng thái vô thức, nói năng lảm nhảm, xuất hiện ảo giác và mất trí nhớ. Vì thế, loài hoa này còn có tên gọi là "hơi thở của quỷ".

    3. Cây trúc đào

    Không khó để nhận ra đây là một cây trồng quen thuộc trong công viên hay trên các tuyến đường. Nguyên nhân là do loài cây này dễ trồng, dễ mọc và ít tốn công chăm sóc, hoa của nó lại rất đẹp và thơm. Có thể ít người biết rằng mọi phần trên cây trúc đào đều có độc.

    Nhựa cây trúc đào chính là chất kịch độc do chứa nhiều glucosid, chất nhựa này có màu kem, vàng ngà rồi hóa lục. Trẻ em chỉ cần ăn phải một lá trúc đào cũng có thể dẫn đến tử vong. Phản ứng ngộ độc trúc đào xảy ra rất nhanh, các triệu trứng như nôn ói dữ dội, người lịm dần, đau đầu, chóng mặt, đau bụng quằn quại. Nếu ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị trụy tim, hôn mê, thiếu oxy lên não và có trường hợp tử vong.

    4. Đỗ quyên

    Đỗ quyên là một loài hoa có sức sống mãnh liệt, dù là môi trường khô cằn hay ẩm ướt, chúng vẫn có thể sinh tồn. Thêm vào đó, hoa đỗ quyên có vẻ đẹp ấm áp, gần gũi và rực rỡ khiến ai cũng yêu thích.

    Hoa đỗ quyên thường được trồng làm cảnh trong nhà vì loài cây này có khả năng hấp thụ các chất độc như lưu huỳnh dioxit, oxit nitric, nitơ dioxide, các chất phóng xạ và các khí độc hại khác, đồng thời có thể làm sạch không khí. Tuy nhiên, bản thân đỗ quyên cũng chứa rất nhiều độc tố, đặc biệt là đỗ quyên hoa trắng và đỗ quyên hoa vàng.

    Nếu ăn phải đỗ quyên, dù chỉ một lượng nhỏ cũng đủ để gây ngộ độc, nôn mửa và khó thở. Vì thế, nếu định trồng đỗ quyên, hãy nhớ để xa tầm tay trẻ em và người già.

    5. Muồng hoàng yến (hoa bò cạp vàng, hoa osaka)

    Trong những năm gần đây, người dân đã trở nên quen thuộc với hình ảnh hoa muồng hoàng yến ngả vàng mỗi dịp giữa năm trên nhiều tuyến đường trong thành phố. Muồng hoàng yến có lợi thế dễ trồng, dễ chăm sóc và cho hoa thành chùm nở rộ, rủ xuống rất đẹp tạo nên không gian vô cùng lãng mạn.

    Nhưng cả hoa, quả, hạt, lá của muồng hoàng yến đều chứa độc tố có thể gây ngộ độc. Nếu không may ăn phải, và không được cứu chữa kịp thời, nạn nhân sẽ tử vong.

    6. Hoa ngũ sắc

    Hoa ngũ sắc còn có tên gọi là thơm ổi, trâm ổi, hoa tứ quý, hoa tứ thời, mã anh đơn, ổi nho, bông ổi, người Tày gọi là nhà khí mu. Hoa ngũ sắc mọc hoang ở nhiều nơi, hiện nay mọi người thường trồng thành chậu làm cảnh, do loại cây này ra hoa quanh năm. Hoa có nhiều màu như cam, vàng, đỏ, hồng... mọc thành chùm hình cầu rất đẹp mắt.

    Tuy vậy, quả cây hoa ngũ sắc lại có chất độc lantanin alkaloid hoặc lantadene A, khiến người ăn phải bị bỏng rát đường ruột, giãn cơ, hay rối loạn tuần hoàn máu.

    7. Hồng môn

    Vẻ bắt mắt và công dụng giúp thanh lọc không khí của hồng môn khiến chúng trở thành một trong những loài cây cảnh thông dụng nhất ở Việt Nam.

    Theo khoa học chứng minh, hồng môn lại là loài cây toàn thân có độc, chứa chất saponin và các tinh thể oxalat canxi, có thể xâm nhập vào các lớp màng niêm mạc tiêu hóa gây ra cảm giác đau rát.

    Nếu lỡ ăn phải lá hồng môn, nạn nhân sẽ bị sưng miệng và kích ứng ở cổ họng. Lá và các bộ phận khác của hồng môn khi đem dí sát vào da người có thể gây phát bạn và rộp mụn nước.

    8. Hoa cẩm tú cầu

    Với những đóa hoa hình cầu màu hồng, trắng, xanh rất đẹp ta vẫn thấy được trồng làm cảnh thật ra không phải là loài cây hiền lành. Cả lá và hoa cẩm tú cầu đều có chứa độc tố. Nếu sơ ý ăn phải độc tố này có thể lập tức bị ngứa ngáy, nôn ói, đổ mồ hôi và đau bụng dữ dội. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới hôn mê, co giật, rối loạn tuần hoàn máu.

    9. Hoa rum

    Loại hoa được rất nhiều cô dâu ưa chuộng này có chứa nhiều chất độc calcium oxalate. Nếu nhầm lẫn hoặc sơ ý ăn phải sẽ bị ngộ độc, triệu chứng thường thấy là ói mửa, bỏng miệng, tê lưỡi, sưng bề mặt niêm mạc.

    10. Hoa Thủy tiên

    Củ có chất alkaloid gây chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, run rẩy toàn thân, hôn mê, thậm chí tử vong khi ăn phải với lượng lớn.

    Đồng Trang (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/10-loai-hoa-o-viet-nam-dep-hut-hon-nhung-chi-lai-mang-hoi-tho-cua-tu-than-a239515.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan