Theo Bộ Công an, từ ngày 4/4/2022 đến nay, C06 đã triển khai, thu nhận khoảng gần 6 triệu hồ sơ đã được đăng ký tài khoản định danh điện tử cho công dân Việt Nam. Ngày 18/7, 10 công dân đầu tiên được phê duyệt, cấp tài khoản định danh điện tử.
Tại họp báo, đại diện C06 cho biết, trước mắt, theo nhu cầu sử dụng của công dân, tài khoản định danh điện tử được chia làm 2 mức.
Cụ thể, mức 1 là công dân đăng ký trực tiếp trên ứng dụng VNeID và mức 2 là đăng ký trực tiếp tại cơ quan công an.
Với tài khoản mức độ 1, công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản như: phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng,…), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng…).
Ở mức 2, tài khoản định danh sẽ tích hợp nhiều dữ liệu hơn như thông tin căn cước công dân, thông tin thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe; thực hiện "thông báo lưu trú" mọi lúc mọi nơi; chức năng tố giác tội phạm…
Trong thời gian ngắn tới, C06 sẽ tiếp tục cung cấp thêm tiện ích cho công dân, như tích hợp giấy đăng ký phương tiện, mã số thuế cá nhân; thanh toán điện tử…
Về công nghệ bảo mật, Bộ Công an cho biết, dữ liệu tài khoản định danh điện tử được mã hóa an toàn, bảo mật bằng công nghệ cao, tránh việc bị hacker tấn công, xâm nhập, đánh cắp dữ liệu.
Kể cả trong trường hợp bị đánh cắp dữ liệu, Bộ Công an cũng cam kết các dữ liệu được mã hóa, áp dụng cơ chế bảo mật khiến hacker không thể giải mã để lấy cắp thông tin công dân.
Công dân khi thực hiện các dịch vụ công sử dụng tài khoản định danh điện tử (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) thông tin tự điền vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết; các thông tin này bảo đảm chính xác, người dân không phải xuất trình các giấy tờ kèm theo.
Việt Hương (T/h)