+Aa-
    Zalo

    10 - 20 năm của dân và 30 phút của cán bộ (!?)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bí thư Thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải chỉ cần 30 phút đã giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại kéo dài 10 năm cho ông Lê Văn Lâm (ngụ ở quận 12, TP. HCM).

    (ĐSPL) - Việc Bí thư Thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải chỉ cần 30 phút đã giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại kéo dài 10 năm cho ông Lê Văn Lâm (ngụ ở quận 12, TP. HCM) khiến nhiều người thực sự ngỡ ngàng.

    Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một vụ việc khiếu nại đơn giản như vậy nhưng để kéo dài đến chục năm trời, gây bức xúc cho người dân. Khi trao đổi về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế, sự chây ỳ trong giải quyết đơn thư khiếu nại, khiếu kiện đang là vấn đề nan giải. Có nhiều nguyên nhân cho tình trạng này nhưng có lẽ, sự vô cảm đang là rào cản lớn nhất!

    Khiếu nại đơn giản phải chờ cả thập kỷ mới giải quyết

    Có lẽ, nếu không gặp Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, chẳng ai có thể biết được đơn khiếu nại của gia đình ông Lê Văn Lâm đến bao giờ mới được trả lời một cách thấu đáo. Chỉ trong vòng 30 phút ngắn ngủi, vụ khiếu nại kéo dài hơn 10 năm của công dân này đã được giải quyết.

    Bí thư Thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải (bên phải) bắt tay chúc mừng ông Lê Văn Lâm sau khi vụ việc khiếu nại đất đai kéo dài gần 10 năm được giải quyết.

    Theo tìm hiểu của PV, diện tích đất cha mẹ ông Lê Văn Lâm đang quản lý, sử dụng được thừa hưởng từ ông bà. Cha mẹ ông Lâm xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chẳng hiểu vì sao, quận 12 cứ bắt chờ. Cụ thể, đầu năm 2003, bố mẹ ông Lâm là Lê Văn Kế và Phạm Thị Bon làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận. Đến tháng 10/2003, UBND quận 12 cấp giấy chứng nhận số 9867 mang tên ông Kế và bà Bon với diện tích nhà ở 40m2, diện tích đất ở hơn 4.300m2. Ông Kế xin ghi nợ tiền sử dụng đất. Năm 2005, ông Kế làm đơn xin được thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng UBND quận 12 phê "chờ giải quyết...". Ba năm sau, khi sự việc chưa được giải quyết thì bà Bon mất. Ông Kế tiếp tục làm đơn đề nghị UBND quận 12 giải quyết, thì được trả lời là đã chuyển hồ sơ đến Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường và Cục Thuế giải quyết.

    Đầu năm 2014, ông Lâm làm hồ sơ xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, UBND quận 12 cho rằng, không có cơ sở để cấp, vì trước đó, cơ quan này đã ra quyết định thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2003. "Chỉ khi làm hồ sơ giấy phép xây dựng, gia đình tôi mới biết bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Ai cũng ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì đang xảy ra", ông Lâm tâm sự.

    Nhiều người nói rằng, ông Lâm đã may mắn khi gặp được Bí thư Thành ủy. Nhưng, thực tế cho thấy, có hàng ngàn, hàng vạn lá đơn khiếu nại của công dân bị kéo dài, thậm chí đến cả 30-40 năm bị các cơ quan chức năng "ngó lơ".

    Trước đó, tháng 3/2014, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã có buổi tiếp dân. Và cũng chỉ trong vòng 30 phút, ông cũng đã giải quyết xong một vụ khiếu nại đất đai kéo dài 20 năm. Đặc biệt hơn nữa, người khiếu nại là cụ bà Nhữ Thị Thơm, 89 tuổi, ngụ phường 4, quận 3. 20 năm qua, người dân nơi đây đã quá quen với hình ảnh một bà già cầm tập tài liệu đi khiếu nại về mảnh đất mình đang quản lý, sử dụng. Và, hình ảnh cụ bà còng lưng, khom người "cõng" đơn đi khiếu kiện làm nhiều người thấy xót xa hơn là quan tâm tới nội dung vụ kiện của cụ. Thật may, bà cụ còn sống để được hưởng niềm vui của một công dân là được chính quyền trả lại sự công bằng.

    Theo nhiều chuyên gia, việc vướng vào "vòng xoáy" đơn thư khiếu nại kéo dài không chỉ gây tổn thương về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất của họ. Ai cũng biết, nếu được giải quyết đúng thời hạn quy định, họ không bị vướng vào vòng xoáy khiếu kiện, thời gian đó tập trung vào làm kinh tế, chắc chắn hoàn cảnh gia đình sẽ không khánh kiệt, bi đát như hiện tại. Và, điều chắc chắn, họ đã bị tước mất đi quá nhiều cơ hội kinh doanh trên chính mảnh đất đó trong 10 - 20 năm qua. Khi họ được trả lại sự công bằng thì những mất mát kia ai đền bù cho họ, hay chỉ nhận được câu xin lỗi để rồi nỗi đau thì dai dẳng với những khốn khổ ngày thường ập đến.

    Hạ cánh an toàn đẩy "quả bóng" cho… người kế nhiệm?

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Hoài Bão, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Đảng khẳng định: "Đúng là có nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, lãnh đạo cấp trên chỉ "ra tay" trong chốc lát, vấn đề được giải quyết ngay. Qua đây cho thấy, sự thiếu trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm trước nhân dân của một bộ phận cán bộ là rất đáng báo động. Suy cho cùng, đây cũng xuất phát từ lợi ích cá nhân của các cán bộ. Họ sợ động chạm, sợ sai ảnh hưởng đến vị trí, quyền lợi của mình. Người dân cần người dám nói, dám làm, chứ không cần những người hứa mà không làm, nhận đơn thư rồi để đấy".

    Cũng theo ông Nguyễn Hoài Bão, có một vấn đề tồn tại bấy lâu nay trong nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp của chúng ta, đó là vấn đề người nhiệm kỳ trước để lại, người nhiệm kỳ sau không muốn giải quyết, vì sợ "động chạm" và hơn hết là sự cả nể. Mặc dù luật pháp đã quy định, xử lý trách nhiệm đối với những người đã nghỉ hưu, thậm chí hồi tố để làm rõ trách nhiệm cụ thể của cá nhân nhưng chỉ xử lý về tham ô, tham nhũng mà chưa thấy xử lý trách nhiệm cán bộ đứng đầu về hưu liên quan đến việc thiếu trách nhiệm, để lại hậu quả cho cán bộ tiền nhiệm khó giải quyết hoặc không thể giải quyết được.

    Vị nguyên Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Đảng nhấn mạnh: "Điều đáng nói, có những việc người ta có thể giải quyết được ngay nhưng vẫn lấy đủ mọi lý do để vòi vĩnh, đòi "bôi trơn" mới giải quyết. Họ đang cổ xúy, dung dưỡng cho cơ chế xin-cho. Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Ngô Thành Can, học viện Hành chính Quốc gia, phân tích, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa cấp xã, cấp huyện, rồi gửi lên tỉnh, đến cấp Trung ương mà không được giải quyết đã tồn tại từ lâu. Cấp trên thấy đơn thư vượt cấp lại gửi đơn xuống cấp dưới. Sự vòng vo, bế tắc khiến người dân gửi đơn đi đâu, vẫn về cấp cũ nên mất niềm tin, khiếu nại kéo dài, năm này qua năm nọ, thậm chí có vụ việc kéo dài nhiều năm là như vậy. Trong những trường hợp người dân khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì việc khiếu nại của người dân khó mà được giải quyết một cách thấu đáo.

    Cán bộ áp dụng sai luật dẫn đến khiếu nại kéo dài

    Đánh giá về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại hiện nay, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014, số lượng đơn tố cáo đã giảm nhưng tính chất các vụ việc ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo chưa cao, còn chậm. Thậm chí, một số trường hợp do áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến khiếu nại kéo dài. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2014, số lượng đơn tố cáo đông người trên cả nước tăng 15\% so với cùng kỳ năm 2013.

    Khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

    Thông tin từ Văn phòng Chính phủ gửi đến báo Đời sống và Pháp luật, ngày 17/1, tại TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo, giải quyết một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài trên địa bàn các tỉnh phía nam. Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Phó Thủ tướng lưu ý UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả đơn thư khiếu nại của người dân theo đúng quy định của pháp luật; hạn chế tối đa các vụ khiếu kiện kéo dài gây tốn kém, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của người dân.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/10---20-nam-cua-dan-va-30-phut-cua-can-bo-a83757.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.