+Aa-
    Zalo

    Trái Đất tiếp tục đón bão Mặt Trời, Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?

    (ĐS&PL) - Những trận bão Mặt Trời cấp rất mạnh G4 và cực mạnh G5 có ảnh hưởng rõ rệt nhất đến Việt Nam.

    Tác động của bão Mặt Trời đến sức khỏe con người

    Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, ngày 19/5, Trái Đất sẽ tiếp tục hứng chịu một cơn bão Mặt Trời, dù có cường độ không lớn bằng cơn bão vừa xảy ra nhưng cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ.

    Các vụ phun trào vành nhật hoa – những đám mây plasma Mặt Trời bị phóng ra có thể gây ra sự bất thường trong lưới điện và các vấn đề với hệ thống liên lạc tần số cao và định vị toàn cầu – sẽ lao vào từ trường Trái đất và bầu khí quyển bên ngoài cho đến ít nhất là tối 19/5.

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ PGS.TS Hà Duyên Châu - nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho hay bão Mặt Trời (còn gọi bão từ) là sự biến thiên mạnh của từ trường Trái Đất.

    Khi Mặt Trời hoạt động mạnh, những vết đen xuất hiện trên bề mặt của nó. Từ các vết đen này xảy ra các vụ bùng nổ sắc cầu Mặt Trời, phóng vào vũ trụ sinh ra các chùm plasma (gọi là chùm sắc cầu plasma Mặt Trời).

    Chúng bao gồm những phần tử trung hòa về điện, sẽ tác động đến Trái Đất, bao trùm toàn bộ Trái Đất và làm xáo trộn hệ thống từ trường. Tuy gọi là bão nhưng nó tồn tại vô hình, mắt thường không thể nhận biết và chỉ gây ra những tác động cụ thể.

    Trái Đất sẽ tiếp tục hứng chịu một cơn bão Mặt Trời vào 19/5. Ảnh minh họa: NASA/GFSC/SDO

    Trái Đất sẽ tiếp tục hứng chịu một cơn bão Mặt Trời vào 19/5. Ảnh minh họa: NASA/GFSC/SDO

    Cường độ bão Mặt Trời được đánh giá theo 5 cấp: Cấp G5 cho những trận bão Mặt Trời cực mạnh, G4 cho các trận bão Mặt Trời rất mạnh, G3 cho các trận bão Mặt Trời mạnh, G2 cho các trận bão Mặt Trời trung bình và G1 cho các trận bão Mặt Trời nhỏ. Chỉ có những bão Mặt Trời cấp rất mạnh G4 và cực mạnh G5 là có ảnh hưởng rõ rệt nhất tới Việt Nam.

    Ngày 10/5, một trận bão Mặt Trời cực lớn đã xảy ra trên Trái Đất, được các nhà khoa học đánh giá là “mạnh nhất trong vòng 20 năm qua”. Trận bão từ này có cấp độ 5 (G5) - cấp độ mạnh nhất trong thang bão Mặt Trời, gây ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.

    Hoạt động của Mặt Trời thay đổi theo chu kì 11 năm. Lần hoạt động Mặt Trời cực đại gần đây nhất là vào năm 2014. Như vậy, hoạt động của Mặt Trời đang mạnh dần lên để đến năm 2025 sẽ đạt đến độ hoạt động cực đại trong chu trình 11 năm của mình.

    Khi hoạt động Mặt Trời mạnh lên, tần suất và cường độ của bão Mặt Trời cũng tăng lên. Như vậy, trong năm 2024 - 2025 sẽ xuất hiện những trận bão Mặt Trời mạnh hơn.

    Được biết, bão Mặt Trời gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người bởi nó tác động mạnh vào hệ thần kinh và tim mạch. Các nhà khoa học đã xác định, khi bão Mặt Trời xảy ra, tần số nhịp tim và huyết áp tăng lên rõ rệt, đặc biệt là đối với những người cao tuổi.

    Các số liệu thống kê cũng cho thấy tỷ lệ tử vong, nhất là đối với những người mắc bệnh tim mạch và thần kinh tăng lên trong thời kỳ Mặt Trời hoạt động mạnh.

    Theo đánh giá của các nhà khoa học, trong thời kỳ này, bạch cầu trong máu của tất cả các động vật bị giảm đi và có sự liên quan của nhiều bệnh dịch với chu kỳ hoạt động mạnh của bão Mặt Trời như: Dịch tả, dịch hạch, cúm, thương hàn, viêm màng não…

    Tuy nhiên, bão Mặt Trời không gâys ảnh hưởng với người bình thường. Bão Mặt Trời chỉ tác động trực tiếp đến người mắc bệnh thần kinh, tim mạch hoặc người mẫn cảm với từ tính. Ảnh hưởng của bão thường gây ra mệt mỏi, bồn chồn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

    Nghiên cứu trường địa từ, dự báo bão Mặt Trời

    Theo chia sẻ của chuyên gia, bão Mặt Trời thường hoạt động theo chu kỳ trung bình 11 năm. Chu trình hoạt động thứ 24 của Mặt Trời kết thúc vào tháng 12/2019, khi hoạt động của Mặt Trời là yên tĩnh nhất trong chu trình.

    Sau đó, bắt đầu chu trình hoạt động thứ 25, nghĩa là Mặt Trời bắt đầu hoạt động mạnh lên trong một chu trình mới. Dự báo cho thấy, cực đại hoạt động bão từ chu trình 25 sẽ xảy ra vào năm 2025.

    Đối với các năm bão Mặt Trời hoạt động mạnh, theo thống kê, số lượng và cường độ các cơn bão Mặt Trời tăng lên rất mạnh, lên đến 100 - 200 trận, thậm chí 300 trận. Các cơn bão từ cực lớn, cường độ G5, G4 cũng thường xuất hiện trong thời gian này.

    Cơn bão Mặt trời mạnh bất thường “tấn công” Trái đất tạo nên những bầu trời Bắc cực quang tuyệt đẹp khắp Bắc bán cầu. Ảnh: Reuters

    Cơn bão Mặt trời mạnh bất thường “tấn công” Trái đất tạo nên những bầu trời Bắc cực quang tuyệt đẹp khắp Bắc bán cầu. Ảnh: Reuters

    PGS.TS Hà Duyên Châu chia sẻ, tại nhiều nước trên thế giới, trong những ngày có bão Mặt Trời, bệnh nhân mẫn cảm với từ trường, nhất là các bệnh nhân về tim mạch, thần kinh được đưa vào các nhà chống từ (lồng Faraday) nhằm ngăn chặn tác động của bão từ. Ở Việt Nam, hiện chưa có điều kiện xây dựng những nhà chống từ như vậy nên cần có sự theo dõi chăm sóc thường xuyên hơn.

    Đối với các hệ thống truyền tải điện lớn, để đề phòng sự cố bão từ, nhiều nước cũng đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, như: Đặt các trị số mới cho hệ thống bảo vệ (hệ thống rơle), thông báo các dự báo bão từ, theo dõi sự bất đối xứng của điện thế AC, giảm công suất vận hành khi nhận được dự báo có bão Mặt Trời, theo TTXVN.

    Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Việt Nam hiện có hệ thống 4 đài địa từ để ghi biến thiên từ, bão Mặt Trời cũng như phục vụ công tác nghiên cứu và dự báo bão.

    Các đài này được đặt ở Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội), Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 đài ở Phú Thụy và Đà Lạt có khả năng truyền trực tiếp dữ liệu về Viện Vật lý địa cầu cũng như đi quốc tế.

    Ở Việt Nam, mới chỉ thực hiện nhiệm vụ quan sát liên tục trường từ của Trái Đất và dự báo dài hạn (khoảng 30 ngày). Việc nghiên cứu dự báo bão từ ngắn hạn (khoảng 30 phút/ngày) chưa thực hiện được do chưa đủ thiết bị và số liệu.

    PGS.TS Nguyễn Xuân Anh nói: “Với sự đầu tư của Nhà nước và hợp tác quốc tế, Viện Vật lý địa cầu đang có kế hoạch nâng cấp các đài, trạm thu thập số liệu địa từ, điện ly bằng các thiết bị hiện đại ghi từ hiện số nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu trường địa từ và dự báo bão từ.

    Sắp tới, Viện sẽ hợp tác với Nhật Bản để sửa chữa thiết bị ghi trường từ tại đài ở Bạc Liêu. Còn các đài ở Sa Pa sử dụng máy ghi từ quang cơ (dùng giấy ảnh) đang từng bước được hiện đại hóa bằng máy ghi từ hiện số”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/trai-at-tiep-tuc-on-bao-mat-troi-viet-nam-chiu-anh-huong-ra-sao-a422661.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan