Thiếu tên lửa phòng thủ, Ukraine dùng lại vũ khí Mỹ loại biên
Financial Times dẫn nguồn tin cho hay, Ukraine đang cải tiến các tên lửa không đối không (AAM) cũ và đã ngừng hoạt động của Mỹ thành tên lửa đất đối không (SAM) để đối phó với kịch bản Nga có thể dồn dập tập kích vào mùa đông năm nay.
Cuối năm ngoái, Nga bắt đầu nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine nhằm gây áp lực lên phía Kiev trong những tháng mùa đông lạnh giá. Năm nay, giới chuyên gia dự đoán Nga sẽ tiếp tục thực hiện chiến thuật này.
Ukraine đã huy động nhiều biện pháp đối phó, trong đó có các hệ thống tên lửa phương Tây sản xuất như NASAMS, Patriot, Hawk, SAMP/T và IRIS-T. Tuy nhiên, vấn đề mà Kiev đối phó là lượng tên lửa đánh chặn ngày càng cạn dần. Nếu Nga tăng cường độ tập kích, Ukraine sẽ đối mặt với "cơn khát" tên lửa và trở nên tổn thương trước hỏa lực của đối phương.
Theo Financial Times, để đối phó với kịch bản trên, Ukraine đã nghiên cứu và cải tiến thành công tên lửa AIM-9 Sidewinder thành tên lửa đất đối không với sự trợ giúp của các đối tác. Mỹ có số lượng lớn các tên lửa này đã loại biên trong kho, vì vậy, Ukraine có thể giải quyết được một phần mối lo ngại cạn kiệt biện pháp đối phó Nga.
"Những quả AIM-9 Mỹ chuyển cho Ukraine đã bị loại biên. Chúng tôi đã sửa chữa chúng và tìm ra cách phóng chúng từ mặt đất. Đó là một loại tên lửa phòng không tự chế tạo", một quan chức cấp cao Ukraine chia sẻ.
Theo AP, Ukraine nhận radar, các bộ phận và thành phần để cải biên tên lửa từ "các đồng minh và đối tác". Ukraine đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước thách thức lớn mà Nga có thể mang tới vào mùa đông. Quan chức giấu tên của Ukraine hy vọng các tên lửa được cải biên có thể "giúp Ukraine vượt qua được mùa đông". Ngoài ra, ông tiết lộ, một số vũ khí cũ Mỹ từng loại biên cũng đang được mang ra sửa chữa và nâng cấp.
Mỹ bắt đầu đào tạo phi công Ukraine lái F-16
Hãng tin RT dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Kiev Bridget Brink hôm 26/10 cho biết lực lượng vệ binh quốc gia không quân Arizona đã bắt đầu huấn luyện phi công từ Ukraine cho lái máy bay chiến đấu F-16. Trong khi đó, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ gửi thêm vũ khí và thiết bị trị giá 150 triệu USD tới nước này.
Bà Brink gọi cuộc huấn luyện là “một phần thiết yếu trong việc xây dựng lực lượng phòng không của Ukraine” và cho biết Mỹ “tự hào” được hợp tác với “các đối tác châu Âu” để hỗ trợ Kiev.
Đầu tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington sẽ “giúp lãnh đạo liên minh” các nước cung cấp F-16 cho Ukraine, với “các đồng lãnh đạo” là Đan Mạch và Hà Lan. Hai nước đã khởi động sáng kiến F-16 vào đầu tháng 7 và được Mỹ cho phép tặng máy bay này cho Ukraine vào tháng 8. Washington cho biết họ sẽ không gửi bất kỳ máy bay nào của mình tới Kiev.
Các phi công Ukraine phải hoàn thành khóa học tiếng Anh trước khi bắt đầu huấn luyện bay. Ông Austin ước tính những chiếc máy bay phản lực đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Ukraine vào khoảng “mùa xuân tới”.
Trong khi đó, Nga gọi đây là sự leo thang không thể chấp nhận được, vì các máy bay F-16 có thể mang vũ khí hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ chiếc F-16 nào được gửi đến Ukraine đều “sẽ bị đốt cháy” giống như các khí tài khác của phương Tây.
Lầu Năm Góc đồng thời cũng đã tiết lộ nội dung của gói “hỗ trợ an ninh” mới nhất cho Kiev. Danh sách này chủ yếu bao gồm đạn dược, bắt đầu bằng tên lửa dành cho hệ thống phòng không NASAMS và pháo phản lực HIMARS, đạn dành cho pháo ống 105 và 155, cũng như tên lửa chống tăng TOW và Javelin.
Đây là “đợt thiết bị thứ 49 được cung cấp từ kho thiết bị cho Ukraine kể từ tháng 8/2021” – sáu tháng trước khi leo thang chiến sự với Nga vào tháng 2/2022. Thông báo bao gồm các quan điểm mới của Nhà Trắng về việc viện trợ cho Ukraine là “một khoản đầu tư thông minh” nhằm củng cố cơ sở công nghiệp quân sự của Mỹ, và tạo ra “việc làm có tay nghề cao cho người dân Mỹ”.
Phương Uyên (T/h)