Người phụ nữ mang song thai tự nhiên hiếm gặp
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin ngày 15/5, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết vừa cấp cứu thành công cho một thai phụ đặc biệt khi mang thai tự nhiên với 1 thai trong tử cung (7 tuần) và 1 thai ngoài tử cung.
Đáng lưu ý, thai phụ 23 tuổi (ngụ ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã đi khám tại 5 bệnh viện ở 3 tỉnh khác nhau nhưng đều không phát hiện được tình trạng trên.
Cho đến khi thai ngoài tử cung vỡ khiến máu chảy trong ổ bụng, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cấp cứu, trong quá trình phẫu thuật nội soi để bảo toàn sức khỏe cho mẹ và thai nhi 7 tuần tuổi, các bác sĩ mới phát hiện ra trường hợp hi hữu này.
Theo lời kể của thai phụ, cách 5 ngày trước khi nhập viện, chị thấy có hiện tượng đau bụng nhưng nghĩ là do rối loạn tiêu hoá nên không đi khám. 3 ngày trước khi nhập viện, thai phụ thấy bụng đau nhiều hơn, đến một bệnh viện ở Thái Bình khám thì được chẩn đoán dọa sảy thai kèm rối loạn tiêu hoá. Tại đây, chị được theo dõi điều trị 1 ngày, sau đó được kê đơn thuốc về nhà uống.
2 ngày sau, chị lại thấy buồn nôn, chóng mặt, đau bụng và hay đi ngoài, được đưa đến bệnh viện tuyến huyện ở Bắc Giang, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để điều trị.
Qua siêu âm, các bác sĩ nhận thấy thai phụ có 1 thai trong tử cung và 1 khối tăng âm cạnh trái tử cung. Nhận định thai phụ bị vỡ nang buồng trứng, cần phải phẫu thuật cấp cứu để cầm máu, các bác sĩ đã tiêm thuốc nội tiết Progesteron trước khi mổ để chống sảy thai, sau đó phẫu thuật nội soi.
Trong quá trình phẫu thuật nội soi, kíp mổ phát hiện khối thai ngoài tử cung chuyển màu tím sẫm và đã có điểm vỡ chảy máu. Các bác sĩ cắt khối chửa ngoài tử cung, lấy hết máu cục, rửa sạch ổ bụng để tránh áp xe tồn dư và dính ruột. Ca mổ kéo dài 2 tiếng. 2 ngày sau phẫu thuật, sức khoẻ thai phụ ổn định, thai nhi trong tử cung phát triển bình thường.
Theo bác sĩ Lê Công Tước - Giám đốc bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, trường hợp mang song thai mà có 1 thai trong tử cung và 1 thai ngoài tử cung có thể xảy ra ở bệnh nhân được kích thích buồng trứng để tạo nhiều nang noãn hoặc làm thụ tinh trong ống nghiệm. Với trường hợp mang thai tự nhiên như thai phụ trên thì vô cùng hiếm gặp, tần suất 1/30.000 người.
Người đàn ông 43 tuổi bị thủng ruột non nghi do nuốt tăm tre
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện An Bình (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và xử lý thành công một ca nuốt dị vật nghi là tăm tre gây thủng ruột non cho một nam bệnh nhân.
Cụ thể, tối 13/5, bệnh nhân T.T.M.N (43 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM), nhập khoa Cấp cứu Bệnh viện An Bình trong tình trạng đau nhiều vùng bụng phải, sốt, bụng chướng khó chịu.
Cơn đau ngày càng tăng nên bệnh nhân đã tự mua thuốc uống nhưng triệu chứng không thuyên giảm. Người bệnh đã nhập Bệnh viện An Bình.
Bác sĩ CKII. Phạm Ngọc Tảo - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ, qua thăm khám, kết quả cận lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân N. bị dị vật trong ruột gây thủng ruột non. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi ổ bụng, lấy dị vật cho bệnh nhân.
"Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ đã phát hiện và lấy ra dị vật dài 0.2 cm x 4 cm (có hình dạng giống tăm xỉa răng) đâm xuyên thủng hồi tràng đoạn cuối ruột non. Sau khi lấy dị vật ekip phẫu thuật đã khâu lại lỗ thủng ruột, rửa sạch khoang bụng và cắt ruột thừa viêm thứ phát cho bệnh nhân", bác sĩ Tảo cho hay.
Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp nói thêm: "Trong trường hợp này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, dị vật trôi xuống đường tiêu hóa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như gây tắc, dị vật sắc nhọn đâm thủng thành ống tiêu hóa, xì dò dịch tiêu hóa gây áp xe, viêm phúc mạc toàn thể, đe dọa đến tính mạng người bệnh".
Hiện tại, bệnh nhân ổn định, bụng mềm, còn đau nhẹ sau mổ. Các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi, hướng dẫn vận động sớm và chế độ ăn phù hợp.
Mổ sinh và bóc tách khối u to chèn ép thai nhi cho sản phụ 29 tuổi
Theo báo Phụ Nữ Việt Nam, ngày 15/5, một bệnh viện ở TP.HCM vừa phẫu thuật kép thành công: mổ sinh và bóc tách khối u to chèn ép thai nhi cho sản phụ M.T.V.A. (29 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu).
Sản phụ tiền sử có nhân xơ tử cung với kích thước nhỏ không đáng kể. Trong quá trình mang thai, nhân xơ đã phát triển to lên và chèn ép thai nhi, đẩy thai nhi lệch sang một bên trong bụng mẹ.
Qua thăm khám ở một cơ sở y tế, sản phụ được bác sĩ khuyên nên bỏ thai để bảo đảm sức khỏe cho người mẹ và cơ hội có thai lần khác chiếm tỉ lệ khoảng 70%. Tuy nhiên, sản phụ và gia đình vẫn quyết tâm tìm kiếm thêm ý kiến chuyên gia để hy vọng giữ em bé.
Sản phụ V.A. tìm đến bệnh viện khi mang thai khoảng 2 tháng và có nhân xơ tử cung kích thước khoảng 10 cm. Trong quá trình mang thai, một phần dinh dưỡng từ mẹ nuôi nhân xơ, một phần dinh dưỡng nuôi em bé. Do đó, quá trình phát triển của em bé cũng song song với sự phát triển của nhân xơ. Trong suốt thai kỳ, đội ngũ y bác sĩ đã kiểm soát tốt khối u cũng như sức khỏe của mẹ và bé.
Khi gần đến ngày dự sinh của sản phụ, nhân xơ tử cung to và em bé bị đẩy lệch sang hẳn một bên. Do đó, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ đã rất khó khăn trong việc tìm đường vào để lấy em bé.
Sau 3 tiếng, em bé chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,4 kg, đồng thời khối u cũng được bóc tách có kích thước 20x26cm, trọng lượng 1,5kg.
Theo bác sĩ, cuộc phẫu thuật kép diễn ra thành công, lượng máu mất đi rất ít, không phải truyền máu trong quá trình phẫu thuật. Sản phụ và em bé đều phục hồi nhanh chóng sau đó.
Nếu sản phụ đi khám thai phát hiện có khối nhân xơ tử cung hay u nang buồng trứng thì bác sĩ sẽ theo dõi, đánh giá khối u lành hay ác. Nếu là khối u lành, sản phụ sẽ được bác sĩ tiếp tục theo dõi sức khỏe đến cuối thai kỳ.
Trong trường hợp sản phụ có thể sinh thường, khối u sẽ được tiếp tục theo dõi và có hướng xử lý sau thời kỳ hậu sản. Nếu khối u chèn ép hoặc gây cản trở em bé, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp mổ sinh và xử lý luôn khối u nếu thuận lợi để bảo đảm không gây tai biến cho sản phụ.
Với trường hợp của sản phụ V.A., phẫu thuật viên bắt buộc phải xử lý khối u vì khối u quá to, có thể gây nguy hiểm dẫn đến băng huyết sau sinh cho sản phụ nếu không được xử trí kịp thời. Vì vậy, ekip bác sĩ đã hết sức cố gắng để cắt bỏ khối nhân xơ, đem lại an toàn cao nhất cho người mẹ cũng như em bé.