Những ngày qua, sự việc hàng trăm tấn cá chép nuôi lồng bè chết nổi trắng trên sông Thái Bình, đoạn qua TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đang gây xôn xao dư luận, đặc biệt người nông dân địa phương đứng ngồi không yên nhìn toàn bộ tài sản mất trắng chỉ sau khoảng thời gian ngắn ngủi. Ngay khi tiếp nhận tin báo về tình trạng các chết hàng loạt trên địa bàn, các đơn vị chức năng đã nhanh chóng phối hợp tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục tạm thời những thiệt hại cho người dân.
Mới đây, thông tin trên báo Thanh niên, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, chiều 8/4, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở này đã chủ trì cùng với các sở, ngành, địa phương có nuôi cá lồng tổ chức cuộc họp để làm rõ nguyên nhân cá chết trong nhiều ngày nay.
Được biết, Cơ quan quan trắc về môi trường thuộc Sở TN&MT đã lấy mẫu nước tại thời điểm cá chết để xét nghiệm. Đồng thời, Cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT cũng về lấy mẫu trên cá chết để phân tích nguồn bệnh.
Sau quá trình xét nghiệm, các đơn vị bước đầu đã kết luận được nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt không phải do cá bị ngộ độc. "Kết quả cho thấy, nguồn nước tại nơi các hộ nuôi cá lồng có nồng độ ô xy rất thấp, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cá thiếu ô xy để thở dẫn đến chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm mẫu từ Cục Thủy sản cho thấy, cá không bị nhiễm bất kỳ một loại bệnh nào", đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương thông tin.
Sở NN&PTNT cũng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu ô xy tại các khu vực nuôi cá như:
Thứ nhất, đây là hiện tượng thường niên vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, nhất là khi diễn biến thời tiết phức tạp, nóng lạnh đột ngột khiến nồng độ ô xy giảm mạnh.
Thứ hai, trong các ngày từ 25 - 27.2 có mưa liên tiếp cũng khiến nồng độ ô xy xuống ở mức rất thấp.
Thứ ba, thời điểm cá chết đúng vào dịp thủy triều xuống, mực nước trên sông xuống thấp khiến lưu tốc dòng chảy xuống thấp. Từ đó, biên độ nước lên xuống trong ngày ở mức thấp. Bình thường, khi nước lớn, biên độ lên xuống trong ngày dao động mực nước từ 1 - 1,5 m, tuy nhiên, khi nước kém biên độ nước lên xuống trong ngày chỉ từ 20 - 30 cm cũng là tác nhân khiến nồng độ ô xy giảm.
Một yếu tố khác khiến tình trạng cá chết diễn biến nhanh đó là khi phát hiện cá chết, người nuôi cá không tăng lượng máy sục khí, vẫn duy trì ở mức bình thường khiến lượng ô xy trong nước bị giảm mạnh.
"Như tôi đã nói, dù được coi là hiện tượng thời tiết thường niên, thế nhưng ở các năm trước cá không chết nhiều bởi lẽ không bị tác động mạnh bởi các yếu tố kết hợp. Năm nay, do nhiều yếu tố trên cộng hưởng, kết hợp với nhau khiến thiệt hại của người nuôi cá lồng tăng đột biến.
Ngoài nguyên nhân về thiếu ô xy, Sở NN&PTNT cũng đang phối hợp với các sở, ngành để tìm hiểu thêm còn nguyên nhân nào khác nữa hay không", đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương lý giải.
Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT Hải Dương, tính đến hết ngày 5/4, số lượng cá chết vào khoảng 300 tấn, thiệt hại của người dân là khá lớn. Báo cáo của cơ quan chức năng cũng xác định tình trạng cá chết đã xảy ra tại nhiều địa phương thuộc TP Hải Dương, TP Chí Linh, huyện Nam Sách, huyện Tứ Kỳ và huyện Thanh Hà.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí. Khi cá chết cần phải vớt lên mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Các hộ nuôi cần theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi; khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nổi lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường ô xy và đảo nước.
Đồng thời, để đảm bảo sản lượng và tránh thiệt hại đáng tiếc, người dân cần tiến hành thu hoạch khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch, lưu ý hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông trong và ngoài lồng nuôi, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi, theo Dân trí.
B. A (T/h)