Theo VietNamNet, ngay sau khi đề thi minh họa được công bố, nhiều ý kiến cho rằng, đề thi không có sự đổi mới so với những năm trước sẽ khiến học sinh nhàm chán trong quá trình ôn luyện.
Tuy nhiên, phần đông học sinh và những phụ huynh khác lại cho rằng, việc giữ nội dung cũng như cấu trúc đề thi minh họa có sự ổn định giúp thí sinh yên tâm hơn nhất là kỳ thi này đang đến rất gần và độ cạnh tranh cao, nếu có những thay đổi quá đột ngột sẽ khiến thí sinh áp lực, không kịp thích nghi.
Tương tự, một số giáo viên nhận định, đây cũng là năm cuối cùng thực hiện theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2006, đối với môn Ngữ văn nói riêng, việc công bố đề thi minh họa giữ nguyên cấu trúc so với các năm trước đây đã phần nào giúp các em ổn định về tâm lí, sẵn sàng cho “cuộc chạy đua nước rút”.
Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, năm nay, việc công bố cấu trúc định dạng đề thi là điểm mới giúp học sinh có định hướng tốt hơn trong quá trình ôn tập. “Đề thi minh họa và định dạng cấu trúc đề thi cũng là căn cứ để giáo viên hỗ trợ tốt nhất cho học sinh trong quá trình ôn. Đề thi giữ ổn định sẽ giúp thí sinh yên tâm ôn luyện, tránh xáo trộn quá lớn.
Với hội đồng ra đề, cấu trúc định dạng đề thi sẽ giúp cho các thành viên bám sát quy định về cấu trúc định dạng do Sở GD&ĐT ban hành, từ đó xây dựng đề thi chính thức phù hợp, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi”, ông Cương cho hay.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội hôm 2/5 công bố đề minh họa kỳ thi vào lớp 10. Theo đó, môn Toán và Ngữ văn diễn ra theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Với môn Tiếng Anh, thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trong 60 phút. So với đề thi các năm trước, đề minh họa có cấu trúc tương tự.
Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội diễn ra trong hai ngày 8-9/6, thí sinh thi trường chuyên và song bằng sẽ thi thêm ngày 10 và 11/6. Dự kiến, hơn 100.000 trong tổng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi.
Theo thống kê của Sở, khoảng 81.200 em có chỗ học công lập (chiếm hơn 60%, tương tự năm ngoái), 29.100 em học tư thục (21,5%), còn lại vào trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề, theo VnExpress.