BS.CKII Phạm Phương Mai, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, thời gian vừa qua bác sĩ tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam N.V.C (35 tuổi, quê Hưng Yên), vào viện vì chật vật cai rượu để tránh nồng độ cồn.
Theo lời bệnh nhân chia sẻ, anh C có tiền sử uống rượu từ năm 20 tuổi, lần đầu tiên được nếm mùi rượu là trong một cuộc liên hoan được bạn bè mời, khi đó người đàn ông thấy rượu cay, không có hứng thú.
Sau thời gian, anh C chia tay bạn gái, dẫn đến tinh thần chán nản, suy sụp, anh tìm đến rượu giải sầu. “Sử dụng trong thời gian dài, dần dà uống rượu thành thói quen của tôi. Cứ có chuyện gì tôi đều tìm đến rượu để giải tỏa áp lực, thậm chí chuyện vui tôi cũng tìm đến rượu”, anh C chia sẻ.
Sau này, anh xây dựng gia đình, tình trạng uống rượu của anh vẫn không thay đổi, mà càng ngày càng tăng thêm, không cuộc nhậu nào anh C không có mặt.
“Hôm nào cũng say bí tỉ tôi mới chịu về nhà, có rượu tôi mới dễ đi vào giấc ngủ. Tuy không đập phá đồ đạc nhưng vợ con nhìn thấy cảnh này cũng dẫn bất lực”, anh C thở dài.
Cho đến gần đây, khi nghị định về nồng độ cồn cho phép khi lái xe máy được ban hành, anh C có khoảng 10 lần bị cảnh sát giao thông thổi phạt vì vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Số tiền nộp phạt của anh lên tới hàng chục triệu đồng, có lần bị thu xe cả tuần.
Nhiều lần bị xử phạt, anh C có ý định tử bỏ rượu để tránh mất tiền oan, nhưng cứ bỏ rượu được vài ngày anh lại uống lại vì nhớ hơi men, không thể vào giấc nếu không có rượu.
Lần dừng rượu lâu nhất là được 4 ngày, nhưng cứ dừng là anh C lâm vào tình trạng buồn bã, lo âu, đánh trống ngực, mất ngủ nhiều ngày. Thiếu ngủ khiến anh sinh ra cáu gắt với vợ con, đồng nghiệp, công việc cũng bị ảnh hưởng.
Anh C đi thăm khám tại các bệnh viện nội, ngoại khoa nhưng chỉ gặp vấn đề về dạ dày, khuyên anh về nhà ngừng uống rượu. Tuy nhiên cứ ngừng các triệu chứng trên lại xuất hiện khiến anh lo lắng.
Khi thăm khám tại Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, người đàn ông được chẩn đoán rối loạn tâm thần do nghiện rượu.
"Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tương tự kể trên, muốn cai rượu nhưng không biết cách dẫn đến gặp các rối loạn tâm thần. Mặc dù không phải ai uống rượu cũng gặp các rối loạn tâm thần, nhưng phần lớn người nghiện rượu đều có rối loạn tâm thần”, bác sĩ Mai cho biết.
Vị chuyên gia chia sẻ, nhiều người uống rượu xong vẫn tham gia giao thông, điều này làm mất an toàn cho người khác, gây khó khăn cho người thi hành pháp luật. Chúng ta cần phải có hiểu biết về tác hại của nghiện rượu đối với sức khoẻ và cộng đồng.
Hiện nay nhiều người nghiện rượu nhưng không biết cai nghiện như thế nào cho đúng. Cai nghiện rượu không đơn giản là dừng uống rượu sẽ hết. Bệnh nhân không biết cách cai rượu sẽ gặp phải tình trạng uống lại nhiều hơn trước
Nhiều bác sĩ đa khoa, chuyên khoa khi thăm khám khuyên người bệnh về nhà dừng uống rượu nhưng không có định hướng cho bệnh nhân nên cai rượu thế nào. Dẫn đến bệnh nhân bế tắc, cứ dừng rượu lại gặp phải các rối loạn tâm thần, khiến họ tìm lại đến rượu để giải quyết.
Chính vì thế, để điều trị nghiện rượu không chỉ dừng uống là được, cần có sự kết hợp thuốc đặc trị nghiện rượu, đồng thời hướng dẫn về cân bằng tâm lý, phương án để đối phó với cơn thèm rượu.
Điều quan trọng nhất để chấm dứt cơn nghiện rượu của người bệnh là gia đình. Nghiện rượu là bệnh của não nên quyết tâm của người bệnh không thể giải quyết hết, cần có sự dám sát của người nhà.
Cần để người bệnh tránh xa tất cả đồ uống có cồn, không tích trữ rượu trong nhà, không tham gia các cuộc nhậu, uống thuốc thường xuyên.
Các bác sĩ khuyến cáo, rối loạn tâm thần do rượu có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường đối với bản thân bệnh nhân, gia đình và toàn xã hội. Do vậy, mỗi người cần chú ý hạn chế sử dụng rượu bia. Khi có biểu hiện rối loạn tâm thần do rượu, bệnh nhân và gia đình nên phối hợp với bác sĩ để điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.