+Aa-
    Zalo

    Hai xu hướng khác nhau để tận hưởng kỳ nghỉ lễ dài ngày

    (ĐS&PL) - Kỳ nghỉ lễ kéo dài nhiều ngày đúng vào đợt thời tiết nắng nóng, cùng với nhiều yếu tố khiến mọi người lựa chọn các cách tận hưởng những ngày nghỉ cũng rất khác nhau.

    Xu hướng tách biệt đám đông

    Những ngày nghỉ lễ dịp 30/4 - 1/5, người dân được nghỉ liền 5 ngày, đây là kỳ nghỉ dài trong năm sau dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên đợt nghỉ kéo dài lại vào đúng thời điểm thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc nên cũng phần nào hạn chế các hoạt động vui chơi của người dân. Cùng với đó, giá vé máy bay tăng cao cũng khiến nhiều người ái ngại thực hiện những chuyến du lịch xa, thậm chí là những người ở xa cũng không có điều kiện về quê do vấn đề kinh tế.

    Chia sẻ trên tờ VnExpress, anh Trần Du quê Nghệ An, hiện đang công tác tại Hà Nội quyết định ở lại Thủ đô để ngủ suốt 5 ngày nghỉ lễ 30/4 năm nay. Theo anh Du, mỗi năm, chàng trai 25 tuổi có ba dịp về quê thăm bố mẹ, thường là dịp 30/4-1/5, Quốc khánh và Tết Nguyên đán. Chuyến đi nào cũng khiến Du mệt lử, gần như kiệt sức.

    Anh Trần Du trong chuyến đi chơi với bạn bè ở Hà Nội thay vì về quê. Ảnh: VNE

    Anh Trần Du trong chuyến đi chơi với bạn bè ở Hà Nội thay vì về quê. Ảnh: VNE

    Năm nay anh quyết định ở lại Hà Nội tham gia thử thách "Ngủ 5 ngày 5 đêm xuyên lễ" trên mạng xã hội. Du nói "bắt trend" chỉ là đùa vui nhưng mong muốn lớn nhất của anh đúng là được nghỉ ngơi trọn vẹn, tách biệt đám đông, tránh cảnh nhồi nhét trên xe. Quyết định của Du được bố mẹ ủng hộ, chỉ họ hàng phàn nàn, nói anh "sống phóng khoáng, không quan tâm đến gia đình".

    Tương tự anh Du, Hoàng Linh, 30 tuổi, nhân viên truyền thông tại Hà Nội cũng không về quê ở Nam Định đợt nghỉ lễ 5 ngày này. Chỗ làm cách nhà chỉ hơn 100 km, cô thường đi xe đêm hoặc lùi giờ sang hôm sau để tránh tắc đường.

    Tuy nhiên, cô gái chia sẻ, bản thân muốn về nhà nghỉ ngơi, tránh xa công việc nhưng liên tục đối diện với những câu hỏi khó chịu như Bao giờ lấy chồng? Lương thưởng bao nhiêu? Sắp mua nhà Hà Nội chưa?... cũng khiến Linh mệt mỏi. Đây cũng là lý do khiến cô quyết định dùng 5 ngày nghỉ lễ để ngủ. "Đã rất lâu tôi không được ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày hay thư thái xem trọn vẹn một bộ phim yêu thích", Linh nói.

    Những ngày này, lựa chọn nghỉ ngơi ở nhà không chỉ là suy nghĩ của những người trẻ, còn độc thân, mà những gia đình có con nhỏ lại càng mong muốn có khoảng thời gian tận hưởng kỳ nghỉ một cách nhẹ nhàng, không xô bồ. Như trường hợp của vợ chồng chị Thúy Hà, 40 tuổi ở quận 3, TP.HCM cùng hai con chọn "nghỉ dưỡng tại gia" bởi chưa hết ám ảnh với cảnh ùn tắc khắp các ngả đường, giá vé máy bay và phòng khách sạn đắt đỏ.

    Kỳ nghỉ Quốc khánh năm ngoái, gia đình chị đi nghỉ ở đảo Cát Bà, Hải Phòng. Ngoài 4-5 tiếng chờ được xuống phà, 45 phút lênh đênh trên biển, cả gia đình mất gần hai tiếng để nhích từng bước đến khách sạn. Thậm chí họ phải tranh thủ ra tắm biển lúc sáng sớm và tối muộn để bớt người, tránh lạc con.

    "Đi du lịch mà còn hơn đi hành xác", chị Hà kể. Người này cũng định đến các điểm du lịch quanh thành phố, nhưng nhiệt độ ban ngày ở TP.HCM đều trên 40 độ, không muốn các con sốc nhiệt nên chọn ở nhà bật điều hòa.

    Chia sẻ về xu hướng này, chuyên gia tâm lý Trần Hương Thảo (TP.HCM) cho rằng quyết định ở lại thành phố thay vì về quê hoặc đi du lịch của nhiều người là phù hợp với hoàn cảnh thực tế bởi các lý do như tình trạng ùn tắc giao thông, giá vé tàu xe dịp lễ cao, cảnh đông đúc tại các điểm du lịch. Kỳ nghỉ năm nay rơi vào đợt nắng nóng diện rộng cũng khiến nhiều người ngại di chuyển.

    "Và quan trọng nhất khi thu nhập giảm, thất nghiệp tăng, việc cắt giảm chi tiêu và chọn các phương thức nghỉ ngơi giá rẻ, khiến bản thân thoải mái được ưu tiên", chuyên gia nói.

    Xu hướng chen chân tại điểm du lịch

    Tuy nhiên, thực tế cho thấy trái ngược với những người chọn phương án ngủ ở nhà trong những ngày nghỉ lễ thì phần đông người dân vẫn lựa chọn đi du lịch, trải nghiệm tại các vùng đất mới để không phí hoài những ngày nghỉ quý giá, tận hưởng những ngày lễ bên gia đình, người thân.

    Do vậy, tại các điểm du lịch, đặc biển là vùng biển thì cảnh người dân chen chúc, đông nghịt vẫn diễn ra khá phổ biến và thậm chí có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm trước do kỳ nghỉ kéo dài.

    Tại Đà Nẵng nhiều hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi. Ảnh: Dân trí.

    Tại Đà Nẵng nhiều hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi. Ảnh: Dân trí.

    Theo Dân trí, tại tỉnh Khánh Hòa, bắt đầu từ ngày 28/4, xe khách du lịch, xe con nối đuôi nhau trên đường Trần Phú, thành phố Nha Trang hướng về nội thành để bắt đầu chuyến du lịch tại thành phố biển này. Du khách đến Nha Trang chủ yếu chọn các tour đi tham quan cụm đảo. Trong ảnh, nhóm du khách tập trung tại Bến tàu du lịch Nha Trang chuẩn bị lên ca nô di chuyển ra các đảo ở Vịnh Nha Trang.

    Buổi chiều, hàng chục nghìn người dân, du khách du lịch đến Nha Trang đã đổ xô ra biển dọc theo đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng để giải nhiệt. "Về chiều, biển Nha Trang mát mẻ nên tôi đưa 2 cháu nhỏ ra đây để vui chơi. Còn bản thân đến biển để hít thở không khí trong lành, giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc mệt nhọc", chị Nguyễn Trang đến từ Quảng Bình chia sẻ.

    Tại Quảng Nam, trong những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, hàng nghìn du khách đã đổ về tham quan phố cổ Hội An. Thời điểm du khách chọn tham quan phố cổ thường vào buổi chiều tối, lúc này mặc dù không khí còn khá nóng, nhưng nắng cũng đã tắt và dịu mát hơn.

    Nhiều người chọn đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ dài ngày.

    Nhiều người chọn đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ dài ngày.

    Các tuyến đường chính trong phố cổ như: Trần Phú, Bạch Đằng. Nguyễn Thái Học… chật kín du khách. Nhiều hàng quán thu hút du khách đến mua sắm, ăn uống, đặc biệt là các hàng nước giải khát.

    Tại Đà Nẵng, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã tổ chức "Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2024". Chương trình với chủ đề "Sóng mùa hè", diễn ra từ ngày 26/4 đến 1/5 tại Công viên Biển Đông, Bán đảo Sơn Trà, các bãi biển Mỹ An, Mỹ Khê, Nguyễn Tất Thành. Mùa du lịch biển Đà Nẵng đã trở thành sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, vui chơi.

    Không chỉ các địa phương có biển mà tại các tỉnh, thành phố của Tây Nguyên cũng tiến hành nhiều hoạt động du lịch thu hút được lượng khách du lịch khá lớn. Như tại Đà Lạt (Lâm Đồng) khu chợ đêm nằm trên tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai (phường 1, thành phố Đà Lạt), có tổng chiều dài trên 1km. Đây là nơi tập trung đông người dân, du khách bậc nhất vào ban đêm ở Đà Lạt. Từ 18h, khách bắt đầu tập trung đông và càng về khuya, địa điểm này càng thu hút nhiều người tham quan, mua sắm trong các ngày nghỉ lễ.

    Như vậy, có nhiều sự lựa chọn để tận hưởng kỳ nghỉ lễ thật trọn vẹn theo cách riêng của mỗi người. Dù theo xu hướng nào thì cũng là cách để mọi người trải nghiệm và nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng, tái tạo nguồn năng lượng mới để lao động và học tập.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/hai-xu-huong-khac-nhau-e-tan-huong-ky-nghi-le-dai-ngay-a418499.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan