+Aa-
    Zalo

    Dùng miệng hút nọc độc sau khi bị rắn cắn có an toàn?

    (ĐS&PL) - Chuyên gia khuyến cáo, việc dùng miệng hút nọc độc là không hiệu quả, còn có thể khiến vết thương bị nhiễm trùng, gây hại cho cả người bệnh và người cấp cứu.

    Lúc bị rắn cắn, biểu hiện thường gặp của nạn nhân là hoảng sợ. Thay vì vậy, hãy bình tĩnh và tránh xa con rắn, quan sát nó để ghi nhớ kích thước, màu sắc và hình dạng của nó để mô tả lại cho bác sĩ, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

    Các loại rắn độc dù khác nhau nhưng các biểu hiện của vết cắn là khá giống như như sưng tấy, đỏ, đau dữ dội, khó thở, nôn mửa, tê liệt… Và nhiều người chon rằng hút nọc rắn từ vết thương có thể giúp loại bỏ chất độc.

    Tuy nhiên, tiến sĩ Diane Calello, Phó giáo sư y học cấp cứu tại Trường Y khoa Rutgers New Jersey (Mỹ), cho biết hút nọc rắn từ vết thương vừa không hiệu quả vừa có thể gây nguy hiểm. Nếu trong miệng người hút có vết thương hở thì nọc độc sẽ xâm nhập vào máu và cực kỳ nguy hiểm.

    Việc dùng miệng hút nọc độc là không hiệu quả, còn có thể khiến vết thương bị nhiễm trùng, gây hại cho cả người bệnh và người cấp cứu. Ảnh minh họa

    Việc dùng miệng hút nọc độc là không hiệu quả, còn có thể khiến vết thương bị nhiễm trùng, gây hại cho cả người bệnh và người cấp cứu. Ảnh minh họa

    Trong số các dụng cụ sơ cứu khi bị rắn cắn thì có thiết bị hút để lấy bớt chất độc ra ngoài. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Annals of Emergency Medicine đã kiểm tra tính hiệu quả của thiết bị này. Các tác giả sử dụng nọc độc giả trong nghiên cứu. Kết quả cho thấy thiết bị chỉ loại bỏ được 0,04% đến 2% lượng nọc độc giả. Đây là bằng chứng cho thấy thiết bị hoạt động không thực sự hiệu quả.

    Thay vì vậy, khi bị rắn độc cắn, điều đầu tiên cần làm là phải bình tĩnh để giảm nhịp tim, giữ vị trí bị cắn thấp dưới tim. Cách này sẽ làm chậm sự lây lan của nọc rắn theo đường máu khắp cơ thể.

    Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn

    Nếu bị rắn độc cắn, cần ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu đã được dự trữ sẵn, đặc biệt khi là thấy vết thương có dấu hiệu đổi màu, bắt đầu sưng hoặc đau.

    Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, nên thực hiện các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn sau đây để làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể:

    - Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn;

    - Giữ bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc;

    - Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên;

    - Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện;

    - Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý;

    - Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

    Lưu ý trong sơ cứu khi bị rắn cắn

    Các bác sĩ cho biết, sai lầm lớn nhất của bệnh nhân và người nhà là áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu khi bị rắn cắn. Nhiều trường hợp đợi đến khi xuất hiện các triệu chứng suy hô hấp nghiêm trọng, hoặc vết thương hoại tử lan rộng, thì mới vội đến cơ sở y tế thăm khám. Để bảo vệ tính mạng của bản thân và những người xung quanh, cần ghi nhớ một số lưu ý trong cách xử lý khi bị rắn cắn như sau:

    Không sử dụng băng garo cột chặt vào vùng bị cắn, cách này vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử, rất nguy hiểm;

    Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây... lên vết thương hoặc uống thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ;

    Không rạch, đâm chích vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc vì không mang lại lợi ích gì, mà còn có thể sẽ khiến nhiễm trùng nặng thêm;

    Tránh dùng thức uống có chứa caffeine hoặc rượu vì chúng có thể làm tăng tốc độ hấp thụ nọc độc của cơ thể;

    Không nên cố bắt con rắn. Thay vào đó nên ghi nhớ màu sắc, hình dạng và phương thức tấn công của chúng để có thể mô tả với bác sĩ, thông tin này sẽ có ích trong điều trị. Nếu có điện thoại thông minh bên mình và thuận tiện, hãy chụp ảnh con rắn từ khoảng cách an toàn để giúp việc nhận dạng được dễ dàng hơn.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dung-mieng-hut-noc-oc-sau-khi-bi-ran-can-co-an-toan-a422862.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan