Khi tội phạm lừa đảo tài chính ngày càng táo tợn và nhắm tới đối tượng người cao tuổi, phải làm gì để bảo vệ gia đình và người thân?
Trong những năm gần đây, tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi và táo tợn. Đặc biệt, chúng thường nhắm tới người cao tuổi bởi đây là đối tượng không mấy thành thạo sử dụng các công nghệ hay cập nhật tin tức. Họ ít có khả năng nhận diện một email từ "ngân hàng" ma nào đó yêu cầu nhập thông tin cá nhân. Tệ hơn, nhiều người cao tuổi đang sống trong tình trạng cô đơn, thiếu sự chăm sóc rất dễ mắc bẫy của những “nhân viên tiếp thị” có giọng nói ngọt ngào, gương mặt thân thiện.
Sau khi trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, tâm lí những người cao tuổi lại thường e ngại, xấu hổ nên không muốn trình báo vụ việc tới cơ quan chức năng hoặc thậm chí là các thành viên gia đình mà chỉ chịu đựng một mình. 4 mẹo dưới đây của chuyên gia tài chính Kat Tretina có thể giúp bạn bảo vệ người thân khỏi những kẻ lừa đảo này.
Tội phạm lừa đảo thường nhắm tới người cao tuổi sống một mình, kém hiểu biết về công nghệ hoặc không thường xuyên cập nhật tin tức - Ảnh: Wisebread |
1. Lập một kiểu “mật khẩu” riêng cho gia đình
Hãy sử dụng một “mật khẩu” riêng cho gia đình để phòng những trường hợp khẩn cấp thực sự như một từ đơn dễ nhớ, một biệt danh riêng chỉ người thân trong nhà biết. Bằng cách đó, nếu cha mẹ hay ông bà bất ngờ nhận được điện thoại hay tin nhắn tự xưng là người trong gia đình cần giúp đỡ thì hoàn toàn có thể dễ dàng nhận diện kẻ lừa đảo.
Trong vài năm gần đây, việc trộm tài khoản cá nhân để gửi tin nhắn nhờ nạp thẻ điện thoại trả trước đã trở nên phổ biến nhưng rất nhiều người vẫn sập bẫy.
2. Khuyến khích người lớn tuổi từ chối điện thoại người lạ
Nhiều kẻ lừa đảo thường đóng vai nhân viên tiếp thị và gọi điện trò chuyện tìm hiểu các mục tiêu đang sống một mình. Nếu đã hướng dẫn phụ huynh sử dụng điện thoại nhận diện số thì cũng nên khuyến khích họ từ chối tiếp chuyện điện thoại với người lạ.
Nếu người gọi để lại thư thoại hay tin nhắn nêu đơn vị, công ty cụ thể như một ngân hàng hoặc công ty chăm sóc y tế thì hãy yêu cầu người thân báo lại với bạn, hỏi những người khác để xác minh trước khi trả lời. Ngoài ra, hãy đề nghị cha mẹ, người lớn tuổi trong nhà tuyệt đối không mở cửa cho người lạ vào nhà khi chỉ có một mình, dù là ban ngày.
3. Hỗ trợ theo dõi tài khoản mạng xã hội (MXH)
Nếu người thân của bạn có tài khoản MXH và cảm thấy thoải mái cho phép bạn truy cập thì hãy cùng cha mẹ, ông bà kiểm tra thường xuyên. Nhờ vậy, chẳng những bạn có thêm thời gian trò chuyện với người thân mà còn giúp họ nhận diện sớm những trang fanpage lừa đảo, các loại quảng cáo chứa mã độc hại, đánh cắp thông tin cá nhân. Người lớn tuổi, đặc biệt là những người mới sử dụng MXH thường rất dễ tin vào những điều họ đọc được trên Facebook, Reddit… và sập bẫy những kẻ lừa đảo.
4. Thường xuyên cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo mới
Những câu chuyện cảnh giác trên truyền thông là một nguồn thông tin hữu hiệu để cập nhật ngay với cha mẹ, ông bà nếu họ không thường xuyên xem TV, đọc báo. Bạn hãy nhắc nhở ngay những kiểu lừa đảo phổ biến hiện nay như gọi điện thông báo trúng thưởng, mời chào vay tiền ưu đãi, đầu tư với lãi suất rất cao… để người thân dễ dàng tự nhận diện và đề phòng.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, nhiều công ty đa cấp tổ chức các sự kiện bán sản phẩm kém chất lượng nhắm tới người cao tuổi, dụ dỗ họ tham gia các đường dây đầu tư ma, khiến nhiều gia đình nông thôn mất trắng tài sản tiết kiệm nhiều năm.
Hi vọng rằng 4 mẹo trên đây có thể giúp bạn và gia đình có được hiểu biết nhất định trong việc tự bảo vệ bản thân khỏi tội phạm lừa đảo.
Thu Phương (Theo Wisebread)